Giới thiệu về huyện Đất Đỏ

1 năm trước Chia sẻ

       Đất Đỏ có địa hình bán trung du, là vùng đồi núi thấp, bậc thềm phù sa cổ và đồng bằng ven biển, có vùng đồng bằng phì nhiêu, xen giữa những ngọn đồi và núi. Đất Đỏ là vùng đất được cấu tạo bởi địa hình khá đa dạng, có núi cao, bờ biển dài và những cánh đồng rộng. Các xã, thị trấn: Phước Long Thọ, Long Tân, Phước Thạnh, Láng Dài là vùng đất đỏ bazan; các xã, thị trấn Phước Hải, Lộc An là vùng ven biển; Long Mỹ, Phước Hội là vùng đất phù sa cổ.

    Đất Đỏ là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của cộng đồng người Việt trên đường khẩn hoang, lập nghiệp về phương Nam hồi thế kỷ XVI-XVII. Huyện có địa hình bán trung du khá phong phú, vừa có đồng bằng lại có nhiều ngọn núi tạo cảnh quan sinh động, đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế, du lịch và đặc biệt là về quân sự. Núi Da Quy (còn gọi là núi Đất) ở thị trấn Đất Đỏ cao 82m, núi Nhọn ở Láng Dài cao 24m, núi Thơm ở Long Tân cao 126m là những địa điểm quân sự quan trọng, bảo vệ Quốc lộ 55, Tỉnh lộ 52. Đặc biệt là dãy núi Châu Viên, Châu Long (tức núi Minh Đạm ngày nay) trãi dài theo địa phận thị trấn Phước Hải, xã Long Mỹ và một số địa phương của huyện Long Điền với ngọn Châu Viên cao 327m, ngọn Hòn Thùng cao 214m, hòn Đá Dựng cao 173m là bức tường thành ven biển che chắn cho vùng đất trù phú này, tạo một địa thế chiến lược về quân sự.

    Sông Ray là con sông lớn trên địa bàn huyện Đất Đỏ. Sông Ray bắt nguồn từ nhiều con suối nhỏ thuộc vùng Tân Phong (Long Khánh) và núi Chứa Chan, chảy xuống phía nam huyện Xuân Lộc, qua địa phận các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, chảy qua miền đồng bằng trù phú của huyện Đất Đỏ với lưu vực 1.500 km2  rồi đổ ra cửa biển Lộc An. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng bắc Sông Ray là căn cứ đóng quân và căn cứ hậu cần quan trọng của các lực lượng cách mạng của tỉnh. Cửa Lộc An phía hạ lưu có rừng Sác dày che phủ, tiếp giáp với những cánh rừng già là bến bãi tiếp nhận vũ khí chi viện bằng đường biển từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.

    Nằm trong vùng cận xích đạo, gió mùa nóng, ẩm và ổn định quanh năm, ít bão lụt, khí hậu Đất Đỏ chịu ảnh hưởng trực tiếp của Biển Đông, ôn hòa và mát lành. Mùa mưa ở Đất Đỏ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 với lượng mưa khá lớn từ 1.300 đến 1.700mm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Với vị trí, địa hình thuận lợi cùng thiên nhiên trong lành, Đất Đỏ có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đa dạng.

   Huyện Đất Đỏ có hệ thống đường giao thông quan trọng (Quốc lộ 55, Tỉnh lộ 52, Tỉnh lộ 44 tiền, 44 hậu, đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận). Quốc lộ 55 dài 22km từ Bà Rịa chạy ngang qua thị trấn Long Điền, thị trấn Đất Đỏ nối với Xuyên Mộc, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Từ xa xưa, dưới thời nhà Nguyễn, đây là đường 'thiên lý' từ miền Bắc, miền Trung vào Nam Bộ mà Đất Đỏ là ải địa đầu.

   Cùng với hệ thống giao thông đường bộ được xây dựng tương đối sớm và khá hoàn chỉnh, Đất Đỏ có bờ biển dài khoảng 17,5km từ mũi Kỳ Vân đến cửa biển Lộc An. Vùng biển Đất Đỏ thuận lợi để xây dựng cảng biển phục vụ phát triển kinh tế và du lịch, đặc biệt là cửa biển Lộc An với thuận lợi kín gió, mặt bằng rộng rãi, cảng cá Lộc An đang được đầu tư thành một trung tâm dịch vụ nghề cá và du lịch. Thị trấn Phước Hải là điểm du lịch đa dạng, có bãi tắm được đánh giá là một trong những bãi tắm đẹp nhất tỉnh, thêm vào đó là cảnh quan kỳ thú của mũi Kỳ Vân nhô ra biển và rừng hoa anh đào tuyệt đẹp, kết hợp với nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng trong huyện.

  Ngoài tiềm năng về du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là ngành mũi nhọn chủ lực của huyện với sản lượng đánh bắt khoảng 40.000 tấn/năm, tăng 2,2 lần so với lúc mới tái lập huyện. Ngoài đánh bắt, huyện còn có khoảng 856 hécta mặt nước nuôi trồng thủy sản tập trung tại khu vực Lộc An. Cùng với đánh bắt hải sản, hàng loạt các dịch vụ nghề cá như sửa chữa tàu thuyền, cơ khí, chế biến hải sản đông lạnh, cá khô, bột cá, nước mắm, chế biến thức ăn gia súc cũng ngày càng phát triển.

   Đất Đỏ là vùng đất thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày như cây Cao su và các loại cây ăn trái lâu năm như sầu riêng, mãng cầu, xoài, chôm chôm… Diện tích gieo trồng lúa, khoảng 8.209 hécta (chiếm 45,3% diện tích deo trồng lúa toàn tỉnh), diện tích gieo trồng hoa màu khoảng 5.926 hécta. Sản lượng hàng năm khoảng 36.000 tấn lúa, 17.000 tấn rau. Ngoài nghề nông, người dân Đất Đỏ còn làm những nghề đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân như nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ…Nơi đây có những làng nghề truyền thống như làng gạch ngói, nồi đất Long Mỹ; làng nghề đan đệm bằng lá buông ở Phước Lợi (xã Phước Hội) có tiếng từ đầu thế kỷ XX.

    Nghề đánh bắt thủy hải sản phát triển sớm ở Phước Hải. Người dân lập miếu thờ Ông Nam Hải, Quan Thánh Đế Quân hay Bà Ngũ hành, là những bậc thánh thần giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cứu khổ, cứu nạn, giúp người đi biển gặp chuyện không may. Ngày nay, lễ tục ấy vẫn được gìn giữ và phát triển.

Cùng với quá trình khai phá, xây dựng vùng quê mới, người dân nơi đây vẫn giữ và phát huy những phong tục tập quán truyền thống. Ở các làng, xã, nhân dân đều dựng đình, chùa, đền, miếu và tổ chức lễ hội hàng năm. Đình là nơi sinh hoạt tinh thần của làng. Đền là nơi thực hiện những lễ nghi đối với các nhiên thần và nhân thần - các vị anh hùng được tôn là thần thánh có công với làng, với nước. Chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tuyền thống. Chùa Thạnh Mỹ còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa lâu đời đã được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh.Nhiều tập tục truyền thống của người Việt đã theo lớp lưu dân du nhập vào, lưu truyền trong vùng đất này. Cần cù lao động, siêng năng học hỏi, trọng nhân nghĩa, thủy chung, làm điều lành, lánh điều ác, ghét chiến tranh, yêu hòa bình là những tập tục được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

      Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Đất Đỏ trải qua nhiều thế hệ, nhân dân địa phương đã đoàn kết sát cánh chinh phục thiên nhiên, khai phá rừng hoang, mở đất, xây dựng xóm làng ngày càng trù phú, đông đúc. Những lớp cư dân này sống hòa thuận, đoàn kết, yêu mảnh đất cha ông để lại, căm ghét bất công. Truyền thống đó đã tạo nên  sức mạnh giúp nhân dân Đất Đỏ kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

     Với những điều kiện tự nhiên, thuận lợi, dồi dào tiềm năng, nhiều ưu thế về kinh tế và quân sự, huyện Đất Đỏ có vị trí chiến lược và vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong kháng chiến, Đất Đỏ là địa bàn chiến lược cả về kinh tế, chính trị và quân sự của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu. Đất Đỏ là huyện có những con đường huyết mạch nối Bà Rịa với Quốc lộ 55 đi về hướng ra biển Xuyên Mộc, đi Hàm Tân, Bình Thuận, đặc biệt án ngữ cửa biển phía đông của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với vị trí đặc biệt quan trọng của Đất Đỏ, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tập trung xây dựng bộ máy thống trị cùng hệ thống đồn bót dày đặc. Dưới thời chính quyền Sài Gòn, Đất Đỏ là chiến trường ác liệt, trọng điểm của tỉnh mà địch phải bình định. Đế quốc Mỹ đã tập trung nhiều lực lượng quân viễn chinh và đồng minh như Úc, Tân Tây Lan, Nam Triều Tiên, quân nguỵ để đánh phá cách mạng.

    Trước ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), bộ máy cai trị của địch trên địa bàn Đất Đỏ gồm một quận và chi khu quân sự Đất Đỏ, 1 chi cảnh sát. Địch bố trí nhiều đồn bót dọc theo Quốc lộ 55, Tỉnh lộ 52, Tỉnh lộ 44 tiền, 44 hậu và xây dựng các căn cứ quan trọng như: Núi Da Quy, Núi Đất, Nước ngọt. Địch luôn coi Đất Đỏ là vùng trọng điểm để thực hiện các kế hoạch bình định như: 'quốc sách ấp chiến lược', hàng rào kẽm gai bùng nhùng, hàng rào mìn, ụ ngầm, hàng rào lá chắn…

    Với cách mạng, trong cả hai cuộc kháng chiến, Đất Đỏ là vùng trọng điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy. Do vậy, cuộc chiến đấu giữa Đảng bộ cùng quân, dân Đất Đỏ chống lại các thế lực xâm lược là rất ác liệt, gian khổ, nhưng cũng hết sức hào hùng với biết bao chiến công chói ngời, với biết bao gương chiến đấu, hi sinh anh dũng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Biết bao địa danh của huyện Đất Đỏ đã đi vào lịch sử địa phương và dân tộc. Trong đó, Minh Đạm (từ tên của hai đồng chí lãnh đạo huyện là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm) trở thành tên gọi của căn cứ kháng chiến lâu dài bền vững của các lực lượng kháng chiến của tỉnh và huyện. Minh Đạm đi vào lịch sử địa phương và tỉnh nhà như những trang sử chói lọi nhất. Đến nay, huyện Đất Đỏ có 125 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Toàn huyện có 1.828 liệt sĩ, trong đó có 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;  có 06 xã, thị trấnđược ương Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân.

     Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ cùng quân dân Đất Đỏ đã nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Khi công cuộc đổi mới được đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt khi huyện được tái lập, Đảng bộ và quân, dân Đất Đỏ đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đấu tranh kiên cường, sáng tạo, ra sức phát huy các nguồn lực, nỗ lực giành nhiều thành quả trong xây dựng phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp: năm 2013 cơ cấu kinh tế của huyện gồm nông lâm, ngư nghiệp 37,47%, ngành thương mại - dịch vụ 22,49%, công nghiệp – xây dựng 40,04%. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành tăng bình quân 25,76%/năm, quy mô tăng gấp 9,9 lần so với năm 2004. GDP bình quân đầu người hiện nay đạt khoảng 31,93 triệu đồng tăng đáng kể so với khi mới tái lập huyện. Cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông, thủy lợi, Trường học, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế từng bước được đầu tư phục vụ cho sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và sản xuất của người dân; các trụ sở cơ quan từ huyện đến xã, thị trấn được đầu tư khang trang; các xã, thị trấn đều có Trung tâm Văn hóa Học tập Cộng đồng.

    Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều thành tựu đáng kể. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; mức hưởng thụ văn hóa đạt 38 lần/người/năm; tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa 98,63%; 38/40 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa;7/8 xã, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa; công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với nước luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, nhà cửa khang trang, không còn nhà tranh vách lá, số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia năm 2013 theo chuẩn mới giảm còn 2,14%; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, 99,2% hộ dân có điện sử dụng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, vững mạnh. Đến nay, Đảng bộ huyện có 45 chi, Đảng bộ trực thuộc, trong đó có: 12 Đảng bộ, 33 chi bộ, có 1.686 đảng viên, chiếm 2, 31% dân số toàn huyện; hoạt động của Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể luôn phát huy hiệu quả, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ lần thứ X đã đề ra. Đảng bộ và nhân dân trong huyện phấn đấu xây dựng Đất Đỏ thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.